Dự báo năm nay thời tiết thuận lợi và dịch bệnh ít xảy ra, thuận lợi cho vụ tôm mới tại ĐBSCL. Người nuôi tôm thời điểm này đang gấp rút thả giống tôm nước lợ.
Vụ tôm sớm
Mùa tôm vừa qua tại ĐBSCL, không chỉ có hộ nuôi tôm nhỏ lẻ mà đã tạo liên kết thành các HTX nuôi tôm theo tiêu chuẩn quốc tế như Global Gap, BAP, ASC… Cùng với đó các nhà máy chế biến thủy sản cũng vào cuộc nuôi tôm sau những thử nghiệm thành công và bắt đầu nhân rộng.
Đại diện doanh nghiệp nuôi tôm thành công tại Sóc Trăng chia sẻ, xu thế nuôi tôm với doanh nghiệp chế biến là tất yếu bởi doanh nghiệp thực hiện nuôi mới có thể kiểm soát, chứng minh cho khách hàng thấy rõ về nguyên liệu được đảm bảo nguồn gốc và chủ động nguồn nguyên liệu sạch.
Thông tin từ các doanh nghiệp hiện tôm loại 40con/kg của Ấn Độ đang có mức giá rẻ hơn chúng ta 20.000đ/kg. Sở dic giá tôm họ rẻ do chủ động từ con giống, thức ăn và quá trình chăn nuôi. Do đó nếu chúng ta kiểm soát được các khâu này, đặc biệt là về con giống thì mới có thể cạnh tranh.
Ở Thái Lan đã nghiên cứu được tôm sú mang tính năng tôm thẻ. Loại tôm này có thể bắt mồi ở mọi tầng nước, nuôi mật độ dày vẫn đảm bảo tốc độ lớn nhanh của tôm và đạt kích thước lớn. Trong quá trình nuôi, Thái có kỹ thuật thu tỉa tôm mà không gây tôm bị sốc còn ở nước ta thì hoạt động thu tỉa tôm chưa có kỹ thuật tốt.
Chú ý phương thức nuôi tôm
Điều kiện tự nhiên vùng nước lợ lớn là lợi thế của nước ta với 2 giống tôm sú và tôm thẻ. Nhưng vụ tôm vừa qua ghi nhật sự tụt giảm của tôm sú. Tôm sú nước ta tiêu thụ sang thị trường Trung Quốc có kích thước đạt 30con/kg, nếu nhỏ hơn khó tiêu thụ. Còn với nhiều thị trường khác cũng có thói quen tiêu thụ sản phẩm cố định với lượng cung cấp đều đặn, thường xuyên, kích cỡ đều.
Do đó nếu loại tôm sú có kích thước nhỏ thường giá bán rất rẻ vì doanh nghiệp không ký hợp đồng thu mua để xuất bán. Nhiều thị trường hiện nay đã quen tiêu thụ loại tôm thẻ. Người nuôi tôm sú nếu muốn bán được giá cần tính toán kỹ thuật nuôi với mật độ thả không quá dày để đảm bảo kích cỡ tôm lớn, được giá bán.
Tại thị trường Châu Âu, loại tôm thường tiêu thụ có kích cỡ 40-50 và 60-70con/kg. Tôm thẻ size 70con/kg dễ tiêu thụ, đặc biệt tại thị trường Mỹ. Muốn nuôi tôm này có lãi thì cần thả mật độ dày.
Một doanh nghiệp hiện đang nuôi vùng tôm rộng 160ha sẽ áp dụng mật độ nuôi tôm lên 300con/m2 (theo đúng quy trình CPF compine Model của CP). Sự thay đổi này là rất lớn. Trước đây diện tích cho ao nuôi thường chiếm 65-70% thì nay diện tích ao nuôi chỉ chiếm 25-30% (1 ao nuôi + 3 ao trữ nước). Cuộc cách mạng này đảm bảo nước cung cấp đủ cho ao nuôi vì cần thay nước thường xuyên. Nuôi theo phương thức này giảm lượng chất thải trong ao, hạn chế phát sinh dịch bệnh suốt quá trình nuôi và có thể tăng vụ nhờ thời gian mỗi vụ rút ngắn cho tôm thu hoạch kích cỡ nhỏ, chỉ 70con/kg.